Giới thiệu đề tài Đông_Hồ_ấn_nguyệt

Đông Hồ rộng khoảng 1.047 ha (có nguồn ghi 14 km²), là một đoạn phình to của sông Giang Thành trước khi đổ ra vịnh Thái Lan. Lẽ ra nơi đây phải được gọi là đầm, phá hay vũng; nhưng người xưa đã quen gọi là hồ, vì lẽ từ phía thượng nguồn nhìn ra biển, núi Tô Châu (đại Tô Châu, tiểu Tô Châu), núi Kim Dữ và núi Bình San vây quanh, không còn trông thấy cửa biển, nên nó trông giống một cái hồ hơn.

Sách Gia Định thành thông chí giới thiệu hồ này như sau:

Ấy là hồ ở trước trấn thự, phía nam khóa thủy khẩu của hải cảng Hà Tiên chặt chẽ để giữ địa khí, bề ngang 5 trượng, sâu 10 thước ta. Phía bắc tiếp với hạ lưu sông Vĩnh Tế. Lòng hồ mênh mông rộng 71 trượng, gọi là hồ Hà Tiên, còn gọi là Đông Hồ, vì hồ ở về phía đông vậy. Giữa hồ có nổi cồn cát non, phía đông và phía tây nước sâu trên dưới 5 thước ta, thuyền bè ở sông ở biển đến đậu chen nhau, người buôn tụ hội đông đảo. Cảnh trăng nước mênh mang, trong 10 cảnh ở Hà Tiên đây là cảnh Đông Hồ ấn nguyệt (trăng in Đông Hồ).[2]

Ngày trước, nối hai bờ Đông hồ là một chiếc cầu phao, bây giờ đã có cầu bê tông.